4. Đặc điểm:
Trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt, đình làng không
chỉ là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa của cộng đồng mà còn là
nơi bảo tồn những giá trị lịch sử - văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật.
Ðình Lương Mỹ nằm ở trung tâm làng Lương Mỹ, được xây dựng từ bao giờ
đến nay chưa có tài liệu nào khẳng định, chỉ biết đình được trùng tu
lần thứ nhất vào năm 1936. Theo sử sách ghi lại, đây là nơi thờ các vị
thần: Thiên Quang Minh Thông, Cao Sơn, Ngọc Hoa Công chúa, Vũ Ðô phú
đại vương và Hồng Ơn đại vương - những vị thần có nhiều công lao trong
công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, dũng cảm kiên cường, bất khuất
chống giặc ngoại xâm, hết lòng chăm lo đời sống của nhân dân. Ðình
Lương Mỹ là một công trình kiến trúc có quy mô lớn theo kiểu chữ công:
Toà tiền tế, tòa ống muống và tòa hậu cung.
Ngay khi bước vào trong đình, không khí mát dịu làm ta như trút bỏ
vướng mắc của đời sống, chìm vào trong không gian tâm linh bao bọc xung
quanh để tĩnh tâm chiêm bái các đức thánh thần, ngắm nhìn những hình
chạm khắc trên các bộ vì. Và ta hiểu ngôi đình đang ôm vào bên trong,
thầm lặng gìn giữ một di sản nghệ thuật vô giá mà nghệ nhân mộc làng
Lương Mỹ bằng trí sáng tạo, bàn tay tài hoa đã tạo nên những mảng chạm
khắc độc đáo, tinh xảo trên bộ khung kiến trúc của đình. Có quy mô bề
thế và hoành tráng trong vùng, trường tồn cùng ngôi đình là các mảng
chạm khắc tinh xảo trên các thang rường, các bộ kèo vì, đấu dư, đặc
biệt là hệ thống cột quân bằng đá, to, khỏe, vững chãi với những mảng
chạm khắc sinh động của bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông càng làm cho di
tích trở nên cổ kính.
Bên cạnh đó, các di vật bằng gỗ chạm như long ngai, bài vị, hương án,
long đình... càng tôn thêm vẻ đẹp cho kiến trúc của ngôi đình. Ngoài
giá trị thẩm mỹ, các mảng chạm và hiện vật trên là những minh chứng
sống động cho khả năng, truyền thống sáng tạo nghệ thuật của dân tộc
ta, là những tư liệu hết sức quý giá về mặt lịch sử, văn hóa, những cổ
vật quý trong kho tàng văn hóa tỉnh Thái Bình.
Ðình Lương Mỹ là nhân chứng lịch sử chứng kiến những sự kiện lịch sử
quan trọng của huyện và xã. Tháng 3/1945, tại Ðình Lương Mỹ, Tổng bộ
Việt Minh huyện Quỳnh Côi đã tổ chức cuộc họp để tuyên truyền mở rộng
tổ chức Việt Minh. Từ tháng 5/1944 đến tháng 8/1945, đình là địa điểm
mở các lớp huấn luyện về công tác tuyên truyền cho Việt Minh, nơi cất
giấu vũ khí, tập trung đi giành chính quyền cách mạng.
Các cụ cao niên trong làng Lương Mỹ kể lại, trong thời kỳ kháng chiến
chống Pháp, đình được Bộ Tư lệnh Quân khu 3 sử dụng làm xưởng công
binh, rèn đúc, sản xuất vũ khí; nơi tập luyện của du kích địa phương,
nơi xuất phát và là hậu cứ an toàn cho các trận đánh do lực lượng vũ
trang thực hiện, tiếp nhận các thương binh về điều trị. Ðặc biệt, với
vị trí thuận lợi và an toàn, Ðình Lương Mỹ còn được chọn là địa điểm
họp bàn các phương án đánh địch càn quét trong các trận càn như: trận
càn ngày 2/9/1950, trận càn từ ngày 14 đến 17/1/1953…; trụ sở của đoàn
giảm tô, cải cách. Năm 1966, đình được chọn là địa điểm đóng quân của
Bộ Tư lệnh Quân khu 3, nơi tiễn đưa thanh niên lên đường chống Mỹ.
Đình Lương Mỹ là di tích kiến trúc nghệ thuật, thuộc loại hình tôn giáo
tín ngưỡng quan trọng của người Việt. Ra đời từ vùng đất có bề dày
truyền thống và nổi danh trong lịch sử, đình Lương Mỹ là nơi đáp ứng
sinh hoạt văn hóa tinh thần, nơi giáo dục và phát huy truyền thống văn
hóa tốt đẹp của dân tộc cho các thế hệ nối tiếp mai sau. Hai sắc phong
thời Khải Định thứ 9 (1924) phong cho hai vị thần Vũ Đô Phú đại vương
và Hồng Ơn đại vương là tài liệu cổ quý giá nhất của đình Lương Mỹ. Nội
dung của sắc phong phản ánh lịch sử của vị thần thờ cùng sự tồn tại của
di tích qua thời gian.
Ngày nay, đình là nơi tổ chức các cuộc họp của chi bộ, chính quyền, các
đoàn thể thôn để phổ biến chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách,
pháp luật của Nhà nước cũng như bàn bạc các biện pháp để thúc đẩy phát
triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ðình Lương Mỹ ngoài ý nghĩa to
lớn về lịch sử, kiến trúc còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa , nơi diễn
ra các lễ hội truyền thống, bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể. Hằng
năm, nhân dân địa phương mở hội vào ngày mồng 4 tháng Giêng, thu hút
đông đảo nhân dân trong làng và du khách thập phương tới thăm quan, bái
yết. Trong ngày hội, dân làng tổ chức tế, lễ, rước long trọng và các
trò chơi dân gian đặc sắc như đi cầu Kiều, đánh cờ Bỏi, chọi gà, bắt
vịt…
Trải qua những biến đổi tự nhiên xã hội, tồn tại đến ngày nay, đình
Lương Mỹ là một trong những di tích lịch sử văn hóa có giá trị cần được
trân trọng, giữ gìn, góp phần vào việc nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử
hình thành và phát triển của mảnh đất Lương Mỹ, Quỳnh Hội. Với giá trị
lịch sử và kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu, Ðình Lương Mỹ đã được Bộ Văn
hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia
theo Quyết định số 1261/QÐ-BVHTTDL ngày 14/4/2011.
Nguồn tài liệu tham khảo:
http://thaibinhtourism.com.vn/Tin-tuc/DTLS/485_%C3%90inh-Luong-My-Di-tich-kien-truc-nghe-thuat-quoc-gia
5. Mối liên kết với nền địa lý
Ðình Lương Mỹ tọa lạc trên khu đất cao ráo, thoáng đãng, có diện tích
3.320 m2, phía trước là sân rộng, xung quanh là ao và nhiều cây cối tạo
ra một không gian thoáng rộng, rất thuận tiện cho sinh hoạt lễ hội và
các hoạt động văn hóa.
6. Chỉ dẫn đường đi
+
Hà Nội – Thái Bình (100 km):
Xe lưu thông theo hướng Hà Nội – QL5 --> Đi khoảng 65 km, di chuyển
theo hướng vào đường QL38B --> Tiếp tục di chuyển theo QL38 B -->
Đi khoảng 7,5 km, rẽ trái vào TL392 --> Đi tiếp 2,5 km rẽ phải vào
TL396B --> Qua cầu Di Linh --> Tiếp tục đi theo TL 396B đến Cầu
Hiệp --> Tiếp tục đi theo TL 396B --> Đi khoảng 3,5 km rẽ trái
--> Đi thêm 4 km, rẽ trái --> đi tiếp 1,5 km rẽ trái -->
Đình Lương Mỹ (Thôn Lương Mỹ,
xã Quỳnh Hội, Quỳnh Phụ, Thái Bình).
+
Hải Dương – Thái Bình (42 km):
Xe lưu thông theo hướng đường Lê Thanh Nghị - Trường Chinh – Ngô Quyền
--> Đi theo TL 39B --> QL 38B --> TL 396B --> Qua Cầu Di
Linh --> Đi theo TL 396B đến Cầu Hiệp --> Tiếp tục đi theo TL
396B --> Đi khoảng 3,5 km rẽ trái --> Đi thêm 4 km, rẽ trái
--> đi tiếp 1,5 km rẽ trái -->
Đình
Lương Mỹ (Thôn Lương Mỹ, xã Quỳnh Hội, Quỳnh Phụ, Thái Bình).
+
Hải Phòng – Thái Bình (65 km):
Lưu thông về hướng đường Lạch Tray – Phạm Văn Đồng/TL353--> Qua Cầu
Rào (sông Lạch Tray) --> Tiếp tục lưu thông theo đường Phạm Văn
Đồng/TL353 --> Đi qua trạm thu phí Dương Kinh --> QL 5B/ĐCT04
--> Đi theo hướng QL 10 --> Tiếp tục đi theo QL10 đến Thế
giới di động Vĩnh Bảo --> Đi theo QL37 --> Đi khoảng 230 m, rẽ
phải theo hướng QL10 qua bến xe khách Vĩnh Bảo --> Tiếp tục đi theo
QL10 khoảng 13 km thì rẽ phải --> rẽ phải tại miếu Đồng Giàng -->
Đi khoảng hơn 1 km thì rẽ trái --> Đi tiếp khoảng 2 km -->
Đình Lương Mỹ (Thôn Lương Mỹ, xã
Quỳnh Hội, Quỳnh Phụ, Thái Bình).
7. Hình ảnh: