Đình Lại Trì

1. Tên điểm: Đình đền Lại Trì
2. Địa chỉ: xóm 4 xã Vũ Tây, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình
3. Vị trí địa lý:
    - Tọa độ: 20° 27' 06'' /106° 24’38''


Đình Lại Trì 1


Đình Lại Trì

Đình Lại Trì 2


Tam bảo













4. Đặc điểm:
Thời Lý - Trần làng Lại Trì đã là nơi quần cư của nhiều dòng họ: Nguyễn, Trần, Bùi, Vũ, Hà, Lê, Ngô, Lương, Đoàn, Đặng, Hoàng, Tạ, Nhâm, Mai, Phí… đây là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hoá. Tương truyền, thân phụ và thân mẫu của Đại pháp thiền sư Minh Không Khổng Lộ đã về vùng đất này đánh cá và dựng nhà bên bến sông Am. Thiền sư Minh Không Khổng Lộ sau khi tu hành đắc đạo đã trở về Lại Trì xây dựng Linh Quang tự làm nơi tu hành và bốc thuốc chữa bệnh cho dân.


* Đình Lại Trì thờ nhân vật lịch sử Nguyễn Minh Không - quốc sư thời Lý
Theo thần tích và văn bia lưu tại di tích, đình Lại Trì thờ Đại pháp thiền sư Minh Không Khổng Lộ.
Trong truyền thuyết dân gian, Minh Không và Khổng Lộ thường bị nhầm lẫn hoặc đồng nhất với nhau. Bởi vì cả hai ngài đều là quốc sư thời Lý, đều có công chữa bệnh cho vua Lý. Trên thực tế Minh Không, Khổng Lộ là hai nhân vật lịch sử khác nhau.
Minh Không (1066 - 1141) tên thật là Nguyễn Chí Thành. Cha là Nguyễn Sùng quê ở xã Đàm Xá, phủ Tường Yên (nay là xã Gia Thắng huyện Gia Viễn tỉnh Ninh bình), mẹ là Dương Thị Mỹ quê ở phủ Từ Sơn Bắc Ninh, cả hai ông bà đều mất sớm. Năm 11 tuổi Minh Không xuất gia, thọ giáo đạo phật với Từ Đạo Hạnh và trở thành một nhà sư tài danh lừng lẫy. Ông được coi là thần y khi chữa khỏi bệnh hoá hổ cho vua Lý Thần Tôn và được phong làm quốc sư.
Đại pháp thiền sư Không lộ là người làng giao thuỷ, phủ Thiên Trường. Thiên sư họ Dương, huý là Minh Nghiêm đạo hiệu là Không Lộ, thân mẫu họ Nguyễn quê làng Hán Lý phủ Ninh Giang (tỉnh Hải Dương). Dương Minh Nghiêm sinh năm Bính Thìn, niên hiệu Thuận Thiên thứ 7 đời vua Lý Thái tổ (1016). Lúc trẻ Dương Không Lộ lấy nghề chài lưới, đăng đó làm kế sinh nhai và làm vui. Do vậy mà ông đi khắp một vùng rộng lớn của duyên hải Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Không Lộ có trí tu luyện đạo thiền, thường viếng thăm các danh thắng cổ tích, đến năm 29 tuổi Không Lộ xuất gia theo học đạo thiền, lúc đầu thụ giáo thiền phái Vô Ngôn Thông, đã đắc đạo trở thành tổ thứ 10 của thiền phái này. Sau Không Lộ lại theo học thiền phái Thảo Đường và cũng trở thành tổ đời thứ 3 của thiền phái Thảo Đường.

Đình Lại Trì 7
Năm Chương Thánh Gia Khánh thứ hai 1062 sau khi cùng Giác Hải và Từ Đạo Hạnh đi Tây Trúc nghiên cứu đạo phật trở về, đức Không Lộ dựng chùa Nghiêm Quang (sau đổi tên là Thần Quang Tự) ở làng Dũng Nghĩa (huyện Vũ Thư Thái Bình) để truyền bá đạo Phật, hoằng dương Phật pháp.
Hoà chung với đời sống nhân dân, sư thường đi vãn cảnh, tuyên truyền giảng giải về đạo, lại cho mở mang chùa chiền ở vùng duyên hải từ Nình Giang sang Phả Lại, Lộng Khê (Phụ Dực), Lại Trì (Kỳ Bố hải khẩu),... nơi đâu cũng có dấu tích nhà sư.
Thời đó đạo Phật được nhà Lý coi là quốc giáo, nhà vua đồng thời là đại giáo của Phật giáo, các bậc công hầu, khanh tướng đều đua nhau quyên cúng, xây dựng chùa thờ Phật. Đức Dương Không Lộ là người hiểu về đạo phật sâu sắc, là giáo chủ của cả vùng, ngoài việc truyền bá đạo phật, nhà sư còn có công lớn trong việc mở mang các công trình trị thuỷ nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, đưa nhân dân lao động thoát khỏi đói khổ. Ông còn là người am hiểu về y thuật có công chữa bệnh cho vua Lý Thánh Tông được phong làm quốc sư được ban cho 500 khoảng ruộng và 1000 lạng bạc để phát triển đạo phật và xây dựng chùa chiền. Vì thế nơi nào mà sư cư trú hoặc đến thăm đều được hưởng ân huệ mà sư đem lại. Sau Dương Không Lộ sang Trung Quốc chữa bệnh cho thái tử nhà Tống rồi xin đồng về đúc chuông, tạc tượng. Ngày 3 tháng 6 năm Giáp Thân (1094) Dương Không Lộ mất thọ 79 tuổi.
* Đền Am làng Lại Trì thờ thân mẫu của quốc sư thời Lý Nguyễn Minh Không
Tục truyền, ngư gia Nguyễn Thị theo nghề chài lưới trên sông, một ngày nọ qua sông Am thuộc bản xã, thấy sông gò đẹp đẽ tốt tươi, lau lách um tùm, thế đất hình qui hạc hội tụ khí thiêng, bèn chọn nơi đây làm chốn ở và dựng am nhỏ thờ phật. Sau khi mẫu qua đời, dân làng Lại Trì đã mai táng ngay trên mảnh đất mà sinh thời mẫu đã cư trú. Sau dân làng lại dựng đền thờ ngay trên phần mộ của mẫu, đền ấy có tên gọi là đền Am.
Đình Đền Lại Trì được công nhận di tích theo quyết định số 1262/QĐ-BVH ngày 14 tháng 4 năm 2011.
Trong suốt quá trình tồn tại cho đến nay đình Lại Trì vẫn luôn giữ được vai trò, vị trí và chức năng là trung tâm sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng và hành chính của làng Lại Trì xưa (gồm 4 xã Vũ Tây, Vũ Đông, Vũ Sơn và An Bình của huyện Kiến Xương ngày nay).
Hội làng Lại Trì tổ chức trong ba ngày 11, 12, 13 tháng 9 âm lịch. Song cửa đình mở đến hết ngày 20. Sáng ngày 21, các phe giáp trong làng sắm sửa lễ mặn rước ra đình tổ chức nam quan, nữ quan, sau đó tổ chức lễ tạ khoá, đóng cửa đình, đem lộc thánh về chia cho nhân dân trong xã.
Ngày nay, Đình Đền Lại Trì trở thành một trong những điểm đến trong tour du lịch tâm linh của tỉnh Thái Bình, hàng năm thu hút đông đảo khách du lịch địa phương và ngoại tỉnh.
Nguồn tài liệu tham khảo: http://thaibinhtourism.com.vn/Tin-tuc/DTLS/535_Dinh,-Den Lai-Tri-Xa-Vu-Tay---1-trong-tu-linh-tu-cua-huyen-Kien-Xuong
5. Mối liên kết với nền địa lý
Đình, đền Lại Trì được tọa lạc trên khu đất tương đối bằng phẳng, nằm trên tuyến đường đi vào UBND xã Vũ Tây, xung quanh đình là khu dân cư đông đúc. Phía trước Đình có một hồ nước rộng với hàng cây đa xanh mát ,xa hơn chừng hơn 50m là UBND xã Vũ Tây. Vào các buổi sáng, người dân trong vùng họp chợ ngay tại sân đình.
6. Chỉ dẫn đường đi
+ Hà Nội – Thái Bình (115 km): Xe lưu thông theo hướng cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, đi khoảng 32 km chuyển hướng đi vào cao tốc Cầu Giẽ  - Ninh Bình  -->   Nút giao thông Đại Xuyên -->  Nút giao thông Liêm Tuyền -->  Rẽ trái vào đường Hà Huy Tập/QL 21B/Đại lộ Thiên Trường Nam Định -->  Đi tiếp qua trạm thu phí  BOT Mỹ Lộc -->  Tiếp tục đi theo Đại lộ Thiên Trường -->  Qua cầu vượt Nam Định  -->  QL10/QL38B  -->  Cầu Tân Đệ  --> Đi thẳng đến đường Hùng Vương  -->  đường Quang Trung -->  Ngã ba, rẽ phải vào đường Hoàng Công Chất -->  Rẽ trái vào đường Ngô Thì Nhậm --> Hết đường Ngô Thì Nhậm, rẽ trái vào đường Trần Lãm -->  rẽ phải vào đường Lê Quý Đôn -->  Hết đường Lê Quý Đôn, rẽ trái, tiếp tục đi khoảng 800m --> Rẽ phải vào đường Hoàng Văn Thụ/QL39B/ĐT458. Đi theo QL39B/TL458 qua cầu Kìm rẽ trái. Đi tiếp 3 rẽ trái tại chợ Đác. Đi tiếp 3 km nữa rẽ phải, sau đó đi tiếp khoảng hơn 500 m rẽ trái là đến Đình, Đền Lại Trì (xã Vũ Tây, Kiến Xương, Thái Bình).
+ Hải Dương – Thái Bình (105 km): Xe lưu thông theo hướng đường Lê Thanh Nghị - Trường Chinh – Ngô Quyền --> Đi theo TL 39B --> QL 38B --> TL 396B --> Qua Cầu Di Linh --> Đi theo TL 396B đến Cầu Hiệp --> Đi theo TL 396B khoảng 3,5 km rẽ trái, đi thêm 5 km nữa thì đi chếch về bên trái hướng vào TL 217/396B --> Đi theo QL10 khoảng 12km (qua Cầu Nguyễn) thì rẽ trái vào QL39B/Võ Nguyên Giáp --> Đường Long Hưng – Võ Nguyên Giáp --> Rẽ trái vào đường Nguyễn Đức Cảnh  -->  Rẽ phải vào QL 39B --> Cầu Bo (sông Trà Lý) --> qua cầu rẽ trái vào QL39B --> Đi tiếp theo QL 39 B, qua cầu Kìm rẽ trái. Đi tiếp 3 rẽ trái tại chợ Đác. Đi tiếp 3 km nữa rẽ phải, sau đó đi tiếp khoảng hơn 500 m rẽ trái là đến Đình, Đền Lại Trì (xã Vũ Tây, Kiến Xương, Thái Bình).
+ Hải Phòng – Thái Bình (90 km): Lưu thông về hướng đường Lạch Tray – Phạm Văn Đồng/TL353--> Qua Cầu Rào (sông Lạch Tray) --> Tiếp tục lưu thông theo đường Phạm Văn Đồng/TL353 --> Đi qua trạm thu phí Dương Kinh --> QL 5B/ĐCT04 --> Đi theo hướng QL 10 --> Đi qua bến xe khách Vĩnh Bảo --> Tiếp tục đi theo QL10 --> Rẽ trái vào QL39B/Võ Nguyên Giáp --> Đường Long Hưng – Võ Nguyên Giáp --> Rẽ trái vào đường Nguyễn Đức Cảnh  -->  Rẽ phải vào QL 39B --> Cầu Bo (sông Trà Lý) --> qua cầu rẽ trái vào QL39B --> Đi tiếp theo QL 39B, qua cầu Kìm rẽ trái. Đi tiếp 3 rẽ trái tại chợ Đác. Đi tiếp 3 km nữa rẽ phải, sau đó đi tiếp khoảng hơn 500 m rẽ trái là đến Đình, Đền Lại Trì (xã Vũ Tây, Kiến Xương, Thái Bình).

7. Hình ảnh:


Đình Lại Trì 3


Ban Sơn Trang

Đình Lại Trì 4


Đình Lại Trì

Đình Lại Trì 5


Bên trong đình

Đình Lại Trì 6

Vè uy nghiêm của đình Lại Trì