Bảo tàng Thái Bình

1. Tên điểm: Bảo tàng Thái Bình
2. Địa chỉ: Quảng trường 14-10, thành phố Thái Bình,tỉnh Thái Bình
3. Vị trí địa lý:
    - Tọa độ: 20° 27' 06'' /106° 20'53''
    - Vị trí: Bảo tàng nằm trên phố Lý Thường Kiệt, đối diện với phố Lê Lợi và UBND tỉnh Thái Bình, nằm cạnh Triển lãm thông tin Thái Bình và tượng đài Nguyễn Đức Cảnh.


Bảo tàng Thái Bình 1


Bảo tàng Thái Bình

Bảo tàng Thái Bình 2


Máy bay Mic 21 do đồng chí Phạm Tuân- Anh hùng lực lượng vũ trang đã từng bắn rơi máy bay B52 của Mỹ, xe tăng 843 do đồng chí Bùi Quang Thận chỉ huy và tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử được trưng bày ngoài Bảo tàng.
















4. Đặc điểm:

Bảo tàng Thái Bình tọa lạc trên diện tích gần 6.000 m2 trong đó có 3000m2 trưng bày các hiện vật, tranh ảnh… nêu bật các chặng đường lịch sử của quân và dân Thái Bình qua các thời kỳ.
Năm 2003, bảo tàng được khánh thành và đưa vào phục vụ nhân dân. Bảo tàng Thái Bình đang quản lý, trưng bày gần 30.000 tài liệu, hiện vật, hình giới thiệu toàn diện về tự nhiên, lịch sử, văn hóa của tỉnh Thái Bình từ thời kỳ tiền, sơ sử đến ngày nay.
Bảo tàng Thái Bình gồm ba tầng với kiến trúc vừa mang tính hiện đại, vừa mang tính dân tộc và là một trong những bảo tàng lớn nhất của cả nước.



Từ cửa chính phía Nam đi vào tầng 1 là phòng khánh tiết trang trọng thông suốt 3 tầng với cụm Tượng đài "Bác Hồ với nhân dân Thái Bình và tình cảm của Đảng bộ nhân dân Thái Bình với Bác", cụm tượng đài gồm 9 nhân vật, trong đó hình tượng Bác Hồ là trọng tâm, xung quanh Bác là các tầng lớp công – nông – binh, cụ già và học sinh đón Bác. Phía sau là lũy tre xanh với hình ảnh gác chuông Chùa Keo -biểu tượng văn hoá vĩnh hằng của quê hương Thái Bình cùng các biểu tượng truyền thống văn hiến và truyền thống đấu tranh của nhân dân Thái Bình qua các thời kỳ. Hai bên có hai bức phù điêu; bên trái là bức phù điêu biểu tượng truyền thống văn hiến và truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm trước khi có Đảng; bên phải là bức phù điêu truyền thống sản xuất, chiến đấu của Đảng bộ và nhân dân Thái Bình trong các cuộc kháng chiến chống Phápvà chống Mỹ.
Tầng 2 của bảo tàng trưng bày về các chủ đề: Lịch sử tự nhiên - sự hình thành đất đai và cư dân, đời sống văn hoá của con người Thái Bình, những mốc son tiêu biểu trong lịch sử xây dựng và bảo vệ quê hương của con người Thái Bình. Với bố cục trưng bày theo chuyên đề và tổ hợp hình ảnh, tài liệu hiện vật sẽ giúp quý khách hình dung được quá trình hình thành các vùng đất đai và sự du nhập của các luồng cư dân đến khai khẩn đất hoang lập nên xóm ấp. Đến các sản phẩm văn hoá tinh thần như: cảnh chiếu chèo sân đình, nhà thuỷ đình với các tích trò quân rối tiêu biểu của làng Nguyễn và làng Đông Các. Các hiện vật tại các di chỉ và trong mộ táng, những viên gạch hoa văn ô trám lồng, mô hình nhà, mô hình trang trại, bát đĩa có niên đại từ thế kỷ I đến thế kỷ III đầu công nguyên, minh chứng cho sự quần cư của cư dân Thái Bình Các vùng đất khác trong quá trình biển tiến, nhân dân lấn biển lập làng (đặc biệt là doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ chiêu mộ dân binh khẩn hoang lập nên vùng đất Tiền Châu năm 1826 – tiền thân của huyện Tiền Hải ngày nay).
Bằng các tổ hợp hình tượng trưng bày kết hợp cả phương tiện nghe nhìn minh họa , quý khách sẽ được xem cảnh chiếu chèo sân đình với các kịch bản, tích chèo kinh điển, xem nhà thủy đình và các tích trò, quân rối tiêu biểu của làng Nguyễn, làng Đống…
Theo các tài liệu của bảo tàng, ngày 20 tháng 3 năm 2004, ông Đoàn Anh Tuấn -  hội viên Hội nghiên cứu sưu tầm cổ vật Thăng Long đã hiến tặng Bảo tàng Thái Bình 93 cổ vật. Các cổ vật này làm bằng các chất liệu đá, đồng, đất nung, gốm men... thuộc ba giai đoạn hậu thời kỳ đá mới, văn hóa Đông Sơn và giai đoạn thời Trần thế kỷ 13-14. Các chuyên gia về khảo cổ học của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cho biết, 93 cổ vật trên rất có giá trị, trong đó có một số cổ vật như đĩa đèn, trống chậu thuộc loại quí hiếm, ít xuất hiện trong các phần trưng bày của các bảo tàng trung ương và địa phương. Số cổ vật này sẽ giúp cho việc nghiên cứu lăng mộ thời Trần mà tỉnh Thái Bình đang phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam khai quật.
Tầng 3 của bảo tàng trưng bày về truyền thống cách mạng Thái Bình từ khi có Đảng lãnh đạo . Với chủ đề này các tài liệu hiện vật sẽ làm sáng tỏ các mốc son lịch sử, những người con ưu tú như Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Công Thu, Nguyễn Văn Năng, Bùi Hữu Diên… cùng các sự kiện của cuộc biểu tình nông dân Tiên – Duyên – Hưng (01/05/1930) và nông dân Tiền Hải (14/10/1930) đã góp phần để xứ ủy đánh giá Thái Bình là tỉnh “có phong trào mạnh nhất Bắc Kỳ lúc bấy giờ”…Trong kháng chiến chống Pháp, Thái Bình được Bác Hồ tặng cờ “quân dân một lòng tiêu diệt địch”. Làng kháng chiến Nguyên Xá – Đông Hưng được Bác Hồ tặng cờ “Nguyên Xá – làng kiểu mẫu”. Làng kháng chiến Tán Thuật – Kiến Xương có chị Nguyễn Thị Chiên đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT đầu tiên trong toàn quốc… Trong chống Mỹ, Thái Bình là quê hương 5 tấn, sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi, bắn rơi 44 máy bay Mỹ, thực hiện tốt khẩu hiệu “thóc thừa cân, quân vượt mức” ; nhiều tập thể cá nhân được phong tặng danh hiệu anh hùng LLVTND.Trong những năm đổi mới, những thành tựu kinh tế xã hội của tỉnh không ngừng tăng trưởng, những khu công nghiệp lớn được mở mang, đời sống cán bộ nhân dân ngày càng ổn định, phát triển.
Ngoài những phần trưng bày lịch sử, Bảo tàng Thái Bình còn có phòng trưng bày chuyên đề về kinh tế biển; tiềm năng dầu khí và việc khai thác sử dụng để phát triển các khu công nghiệp lớn của tỉnh.
Bảo tàng Thái Bình còn có phần trưng bày ngoài trời gồm các hiện vật gắn với những sự kiện và nhân vật lịch sử tiêu biểu của tỉnh trong các cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc . Khu trưng bày ngoài trời bao gồm có máy bay, tên lửa, xe tăng, pháo lớn do những người con ưu tú của quê hương Thái Bình chiến đấu, lập công oanh liệt trong kháng chiến chống Mỹ như: Máy bay Mic 21 do đồng chí Phạm Tuân- Anh hùng lực lượng vũ trang đã từng bắn rơi máy bay B52 của Mỹ trên bầu trời thủ đô Hà Nội đêm ngày 27/12/1972, xe tăng 843 do đồng chí Bùi Quang Thận chỉ huy tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng Sài Gòn ngày 30-4-1975, pháo mặt đất 85 ly do đơn vị C2 bộ đội Thái Bình trực chiến tại bờ biển Tiền Hải, bắn cháy hai chiếc máy bay của Mỹ vào ngày 17/5/1972 và ngày 8/8/1972, bệ phóng tên lửa DVINA do đồng chí Phạm Trường Uy - anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân –quê xã Vũ Lạc , Kiến Xương thuộc tiểu đoàn tên lửa E236-F367 Bộ tư lệnh phòng không không quân đã trực tiếp điều khiển và chỉ huy bắn rơi 31 máy bay Mỹ trong đó có 2 pháo đài bay B52 bị bắn rơi ngày 2/4/1972 và ngày 28/8/1972
Với hàng ngàn tài liệu, hiện vật quý được trưng bày một cách khoa học cùng các trang thiết bị nghe nhìn hiện đại được lưu giữ tại Bảo tàng Thái Bình, mỗi năm bảo tàng đã đón hàng chục nghìn lượt khách đến tham quan, học tập, nghiên cứu.
Bảo tàng Thái Bình đón quý khách tham quan vào các ngày thứ hai, thứ 3, thứ 4, thứ 5; sáng từ 8h đến 11h, chiều từ 14h đến 17h
Nguồn tài liệu tham khảo:
1. Từ điển Thái Bình: Tỉnh ủy- Hội đồng nhân dân- UBND tỉnh Thái Bình, Nhà xuất bản văn hóa thông tin, 2010
2.  http://thaibinhtourism.com.vn/Tin-Tuc/Kham-Pha/701_Bao-tang-Thai-Binh-Trang-su-bang-hien-vat
3.http://thaibinh.gov.vn/gioithieu/Pages/di-tich-danh- ang.aspx?ItemID=283)
5. Mối liên kết với nền Địa lý:
Bảo tàng nằm cách thủ đô Hà Nội 110km về phía Đông Nam, cách thành phố Hải Phòng 60km về phía Đông Bắc. Bảo tàng được xây dựng tại trung tâm đường Lê Lợi, cách sông Trà Lý 300 m về phía Tây Nam. Bảo tàng nằm gần Cầu Bo và một số khách sạn của Thái Bình (Khách sạn Hoa Hồng ở 414 – Lý Thường Kiệt, khách sạn Sông Trà – 64 Trần Quang Khải, khách sạn Petro Thái Bình – 458 Lý Bôn, thành phố Thái Bình).

6. Chỉ dẫn đường đi
+ Hà Nội – Thái Bình (110 km): Xe lưu thông theo hướng cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, đi khoảng 32 km chuyển hướng đi vào cao tốc Cầu Giẽ  - Ninh Bình  -->   Nút giao thông Đại Xuyên -->  Nút giao thông Liêm Tuyền -->  Rẽ trái vào đường Hà Huy Tập/QL 21B/Đại lộ Thiên Trường Nam Định -->  Đi tiếp qua trạm thu phí  BOT Mỹ Lộc -->  Tiếp tục đi theo Đại lộ Thiên Trường -->  Qua cầu vượt Nam Định  -->  QL10/QL38B  -->  Cầu Tân Đệ  --> Đi thẳng đến đường Hùng Vương  -->  đường Quang Trung  -->  đường Lý Bôn -->  đường Lê Lợi  --> Bảo tàng Thái Bình (đường Lý Thường Kiệt, thành phố Thái Bình).
+Hải Dương – Thái Bình (65 km): Xe lưu thông theo hướng đường Lê Thanh Nghị - Trường Chinh – Ngô Quyền --> Đi theo TL 39B --> QL 38B --> TL 396B --> Qua Cầu Di Linh --> Đi theo TL 396B đến Cầu Hiệp --> Đi theo TL 396B và TL 217 --> QL 10 --> Qua Cầu Nguyễn --> Đi theo QL 10 --> Đi thẳng theo QL10 (Thị trấn Đông Hưng) --> Đường Long Hưng – Võ Nguyễn Giáp --> Rẽ trái, đi thẳng, tiếp tục rẽ trái vào đường Nguyễn Đức Cảnh --> Rẽ phải vào QL 39B --> Qua Cầu Bo (sông Trà Lý) --> Đi thẳng đến ngã tư, rẽ phải vào đường Lý Thường Kiệt --> Bảo tàng Thái Bình.
+Hải Phòng – Thái Bình (85 km): Lưu thông về hướng đường Lạch Tray – Phạm Văn Đồng/TL353 --> Qua Cầu Rào (sông Lạch Tray) --> Tiếp tục lưu thông theo đường Phạm Văn Đồng/TL353 --> Đi qua trạm thu phí Dương Kinh --> QL 5B/ĐCT04 --> Đi theo hướng QL 10 --> Đi qua bến xe khách Vĩnh Bảo --> Tiếp tục đi theo QL10 --> Rẽ trái vào QL39B/Võ Nguyên Giáp --> Đường Long Hưng – Võ Nguyên Giáp --> Rẽ trái vào đường Nguyễn Đức Cảnh  -->  Rẽ phải vào QL 39B --> Qua Cầu Bo (sông Trà Lý) --> Đi thẳng đến ngã tư, rẽ phải vào đường Lý Thường Kiệt --> Bảo tàng Thái Bình.

7. Hình ảnh:



Bảo tàng Thái Bình 3


Hướng dẫn viên giới thiệu về Bản đồ hành chính tỉnh


Bảo tàng Thái Bình 4


Cảnh chiếu chèo sân đình được tái hiện tại bảo tàng


Bảo tàng Thái Bình 5


Một số hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng

Bảo tàng Thái Bình 6


Hiện vật múa rối nước

Bảo tàng Thái Bình 7


Thành tựu của Thái Bình thời kì đổi mới

Bảo tàng Thái Bình 8


Vị trí rất đẹp trong thành phố