Chạm bạc Đồng Xâm

1. Tên điểm: Làng nghề chạm bạc Đồng Xâm
2. Địa chỉ: 
xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình
3. Vị trí địa lý:
    - Tọa độ: 20° 27' 02'' /106° 22’25''
    - Làng nghề thuộc xã Hồng Thái, nằm ở phía Đông huyện Kiến Xương, phía Bắc giáp xã Trà Giang, phía Tây Bắc giáp xã Quốc Tuấn, góc phía Tây giáp xã Bình Nguyên, phía Tây Nam giáp xã Quyết Tiến, phía Nam giáp Lê Lợi. Phía Đông xã Hồng Thái tiếp giáp với xã Thái Thành (huyện Thái Thụy) (ranh giới là sông Trà Lý).


Chạm bạc Đồng Xâm 1


Làng nghề chạm bạc Đồng Xâm

Chạm bạc Đồng Xâm 2


Sản phẩm chạm đồng nổi tiếng của làng nghề













4. Đặc điểm:
Theo sử sách cũ ghi chép lại, vào năm thứ mười dưới triều Vua Chính Hòa (1689), vị tổ nghề Nguyễn Kim Lâu vốn làm nghề vàng bạc ở Châu Bảo Long tới xứ Đồng Xâm để truyền nghề cho dân, lập thành phường Phúc Lộc (gồm 149 người, có một trùm phường và 7 chi phường cai quản 7 hạng thợ). Các dòng họ Trần, Đinh, Vũ, Hoàng, Ngô, Đỗ, Nguyễn, Triệu đều có người tham gia phường Phúc Lộc. Điều này cho thấy, nghề chạm bạc ở Đồng Xâm đã được hình thành và phát triển trải qua gần bốn thế kỷ.
Thuở ban đầu, làng làm nghề hàn đồng, gò thùng chậu, đánh dao kéo, sửa chữa khóa... sau mới chuyển sang làm đồ kim hoàn, chuyên sâu về chạm bạc. Làng được hình thành vào cuối thời Trần - Hồ (cách đây trên 600 năm) ở hữu ngạn sông Đồng Giang, còn nghề chạm bạc thì mãi sau này mới xuất hiện, hiện còn một am thờ và một văn bia tổ nghề được dựng vào năm 1689 và đặt trong khu chùa Đường (thuộc thôn Thượng Gia).


Phường có quy định chặt chẽ trong hương ước của làng rằng: Người nào đem bí quyết nghề truyền dạy cho nơi khác, cho người làng khác, hay làm đồ giả để lừa người khác, gây sự bất tín thì phải phạt thật nặng... hoặc đem đánh đòn trước nhà thờ Tổ, hoặc phải xóa tên trong phường; còn người nào muốn học nghề đều phải nộp tiền để làm lễ cầu phúc và lễ kính tổ nghề và hàng năm, cứ vào ngày mùng 5 tháng giêng (âm lịch) phường thợ phải tập trung trước am thờ để làm lễ giỗ tổ.
Đồng Xâm từ lâu nổi tiếng khắp nơi bởi độ tinh xảo với những món hàng chạm bạc độc đáo. Sản phẩm của làng nghề không chỉ có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trong nước mà còn xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới như Thái Lan, Bỉ, Ý…Hàng chạm bạc của Đồng Xâm khác hẳn và nổi trội hơn so với hàng bạc của các địa phương khác ở kiểu thức lạ về hình khối, dáng vẻ sản phẩm; ở cách bố cục trang trí tinh vi mà cân đối, nổi rõ chủ đề chính; ở thủ pháp xử lý sáng - tối nhờ biết tận dụng đặc tính phản quang của chất liệu bạc.
Đặc trưng của sản phẩm chạm bạc Đồng Xâm chính là ở sự điêu luyện, tinh tế và hoàn hảo trong từng chi tiết trên sản phẩm. Ngoài ra, tài năng và tính cẩn trọng của những nghệ nhân chạm bạc nơi đây đã và đang có thể đáp ứng được mọi yêu cầu sử dụng đồ chạm bạc của những khách hàng khó tính và am tường nghệ thuật.
Trong quá trình tồn tại và phát triển, không ít làng nghề đã bị “khai tử” và mai một, nhiều làng nghề “chủ lực” đang “loay hoay” tìm lối đi để thích nghi với những thách thức của cơ chế thị trường thì làng nghề chạm bạc Đồng Xâm vẫn ngày càng phát triển và được nhiều người biết đến. Điều này được minh chứng bằng việc làng nghề đã tồn tại được gần 400 năm, làng có tới 5 nghệ nhân ưu tú được vinh danh, là một trong những di sản văn hóa phi vật thể truyền thống của vùng châu thổ sông Hồng và là làng nghề tiêu biểu nhất trong 241 làng nghề được UBND tỉnh Thái Bình cấp Bằng công nhận.
Những người thợ chạm bạc Đồng Xâm đã biết tận dụng ưu thế sẵn có, mạnh dạn chuyển từ sản xuất các mặt hàng xuất khẩu (khi thị trường đóng cửa) sang sản xuất những mặt hàng tiêu thụ nội địa: hàng phục vụ cho đạo Phật (hoành phi, câu đối, lư hương…); hàng phục vụ cho đạo Giáo (thánh giá, chén đựng nước phép, hộp đựng bánh thánh…); chạm chổ những bức tranh về các đề tài danh lam thắng cảnh của đất nước, của đồng quê Việt Nam; trang trí nội thất cho các đình chùa… vì thế mà làng nghề chạm bạc Đồng Xâm ngày càng có nhiều đơn đặt hàng, được nhiều người biết đến và ưa chuộng, danh tiếng từ đó cũng tăng lên. 
Đến thăm làng nghề chạm bạc Đồng Xâm, du khách có cơ hội được ghé thăm Đền Đồng Xâm. Đây là một một quần thể di tích có quy mô hoành tráng, rộng lớn trong đó thờ Triệu Vũ Đế, đền thờ Trình Thị Hoàng Hậu ( Vợ vua Triệu Vũ Đế) và đền thờ Nguyễn Kim Lâu ( vị tổ nghề chạm bạc cổ truyền) cùng hệ thống đền chùa nằm kề sông Vông.
Từ xa xưa Đồng Xâm đã có lệ mở hội vào dịp cuối tháng ba, đầu tháng tư âm lịch chính vào các ngày một, hai, ba tháng tu. Lễ hội Đồng Xâm cuốn hút rất đông khách thập phương về dự. Đặc biệt lễ hội là dịp các phường bạc ở khắp nơi về tế tổ Nguyễn Kim Lâu và đem sản phẩm bày cáo yết tổ nghề.
Đặc biệt, sôi nổi nhất là cuộc thi đua thuyền của thanh niên trên sông Vông. Trong thời gian diễn ra lễ hội, các sản phẩm chạm bạc của làng cũng được trưng bày và bán làm làm đồ lưu niệm cho du khách để giới thiệu và quảng bá thêm về nghề truyền thống này.
Hội đền Đồng Xâm xưa và nay là ngày hội lớn thu hút du khách trong và ngoài tỉnh. Hội đền mở vào vào ngày ¼ âm lịch. Tính sầm uất của hội phần được lý giải bởi làng Đồng Xâm là làng chạm bạc không chỉ giàu có mà còn có nhiều khách vốn làm nghề kim hoàn khắp trong cả nước về dự hội để tế tổ nghề.
Nguồn tài liệu tham khảo:
1.    http://baophapluat.vn/doanh-nghiep/cham-bac-dong-xam-nhung-ky-thu-400-tuoi-77486.html
2.    Địa chí Thái Bình. Nhà xuất bản văn hóa thông tin, 2010
5. Mối liên kết với nền địa lý
Làng nghề chạm bạc Đồng Xâm nằm ở phía Đông của huyện Kiến Xương, cách thành phố Thái Bình khoảng 17km về phía đông. Làng chạm bạc Đồng Xâm nằm ở Hữu ngạn sông Đồng Giang (sông Vông), bên cạnh là quần thể di tích đền Đồng Xâm – được xây dựng trên một khu đất rộng, thoáng từ bờ đông sang bờ tây sông Đồng Giang. Dưới sông gần bờ phía đông là tòa thủy tạ hình lục lăng, trên sông xây 2 cầu gạch lớn làm thành hai đường đưa khách tham quan vào khu đền chính.
6. Chỉ dẫn đường đi
+ Hà Nội – Thái Bình (110 km): Xe lưu thông theo hướng cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, đi khoảng 32 km chuyển hướng đi vào cao tốc Cầu Giẽ  - Ninh Bình  -->   Nút giao thông Đại Xuyên -->  Nút giao thông Liêm Tuyền -->  Rẽ trái vào đường Hà Huy Tập/QL 21B/Đại lộ Thiên Trường Nam Định -->  Đi tiếp qua trạm thu phí  BOT Mỹ Lộc -->  Tiếp tục đi theo Đại lộ Thiên Trường -->  Qua cầu vượt Nam Định  -->  QL38B/QL10  -->  Tiếp tục đi theo QL 10 khoảng 27 km  --> Rẽ phải vào QL 39A  -->  Đi khoảng 6,5 km rẽ phải  -->  Đi thêm 3,2 km rẽ phải vào hướng Đê  -->  rẽ trái vào Đê  -->  đi theo hướng Đê đến cầu Trà Giang  -->  Tiếp tục đi theo hướng cầu Trà Giang khoảng 4 km  -->  Làng nghề Đồng Xâm (xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình).
+ Hải Dương – Thái Bình (75 km): Xe lưu thông theo hướng đường Lê Thanh Nghị - Trường Chinh – Ngô Quyền --> Đi theo TL 39B --> QL 38B --> TL 396B --> Qua Cầu Di Linh --> Đi theo TL 396B đến Cầu Hiệp --> Tiếp tục đi theo TL 396B --> Đi khoảng 3,5 km rẽ trái --> Đi thêm 5km, rẽ vào hướng ĐT TL217/TL396B--> Đi thêm 5,2 km thì rẽ phải tại trạm xăng để vào QL10 --> Qua Cầu Nguyễn --> Đi theo QL10/QL39A --> Đi qua cửa hàng vật tư nông nghiệp Nghiêm Đông, rẽ trái, đi thêm khoảng 7 km đến điểm dùng xe bus 05 thì rẽ trái vào QL39A --> Đi khoảng 3km rẽ phải vào ĐH91 (Thái Giang) --> Đi 4km thì rẽ phải, đi về hướng cầu Trà Giang --> Đi khoảng 4 km đến Làng nghề Đồng Xâm (Xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình).
+ Hải Phòng – Thái Bình (86 km): Lưu thông về hướng đường Lạch Tray – Phạm Văn Đồng/TL353--> Qua Cầu Rào (sông Lạch Tray) --> Tiếp tục lưu thông theo đường Phạm Văn Đồng/TL353 --> Đi qua trạm thu phí Dương Kinh --> QL 5B/ĐCT04 --> Tiếp tục đi theo QL5B, đi khoảng 20km thì đi theo lối ra về hướng QL10 -->  Tiếp tục đi theo QL10 đến Thế giới di động Vĩnh Bảo --> Đi theo QL37 --> Đi khoảng 230 m, rẽ phải theo hướng QL10 qua bến xe khách Vĩnh Bảo --> Tiếp tục đi theo QL10 khoảng 10 km thì rẽ trái vào TL455/TL216 --> đi khoảng 17 km rẽ trái vào QL 39A --> đi khoảng 1 km rẽ phải vào ĐH91 (Thái Giang)--> Đi 4km thì rẽ phải, đi về hướng cầu Trà Giang --> Đi khoảng 4 km đến Làng nghề Đồng Xâm (Xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình).


Chạm bạc Đồng Xâm 3


Bàn làm việc của một nghệ nhân


Chạm bạc Đồng Xâm 4


Một cửa hàng giới thiệu sản phẩm

Chạm bạc Đồng Xâm 5


Các sản phẩm được trưng bày bên trong một gian hàng

Chạm bạc Đồng Xâm 6


Nữ nghệ nhân đang thực hiện quét sơn trên các sản phẩm

Chạm bạc Đồng Xâm 7


Bên trong một cơ sở chạm bạc

Chạm bạc Đồng Xâm 8


Nghệ nhân đang thực hiện chạm trổ sản phẩm

Chạm bạc Đồng Xâm 9


Bàn đúc đồng

Chạm bạc Đồng Xâm 10


Bức chạm "Mã đáo thành công"